Dictation là phương pháp luyện nghe và chép chính tả hết sức hiệu quả. Phương pháp này được biết đến từ năm 1981, nhiều người áp dụng vào việc học ngoại ngữ và đã thành công. Nhiệm vụ của bạn cũng đúng như tên gọi của phương pháp chính là lắng nghe những đoạn audio, những bản tin ngắn và chép lại những gì mình được nghe một cách chi tiết nhất, chính xác nhất có thể.
Phương pháp này mang lại cho bạn những gì?
– Tăng cường khả năng nghe: sau một khoảng thời gian bạn áp dụng phương pháp luyện nghe tiếng Anh Dictation. Tai của bạn sẽ “bắt nhịp” với từ vựng nhanh hơn, quen với tốc độ nói của bản ngữ hơn.
– Nhận biết âm và ngữ điệu: Hoạt động này giúp chúng ta nhận ra và quen thuộc với những chi tiết khó trong hội thoại như nối âm, âm điệu, ngữ điệu …
– Mở rộng vốn từ vựng: Bạn sẽ nghe được rất nhiều từ vựng mới, rất nhiều cách sử dụng collocation, những thành ngữ trong từng ngữ cảnh khác nhau… bổ sung cho bản thân một lượng từ vựng đáng kể và đồng thời cũng ghi nhớ lâu dài hơn vì bạn phải nghe đi nghe lại nhiều lần.
– Cải thiện ngữ pháp và khả năng viết: Đồng thời giúp chúng ta nhận biết được những cấu trúc ngữ pháp hay kỹ thuật viết hay qua sự nghe đi nghe lại, xem đi xem lại mà nếu chỉ đọc hiểu thông thường thì đôi khi chúng ta sẽ bỏ qua mà không học theo.
– Nói tốt hơn: Hiệu ứng của việc nghe tốt, hiểu được cách nhấn nhá giọng của người bản ngữ là bạn sẽ nói tốt hơn vì bạn hiểu ứng với những hoàn cảnh đó, câu văn đó, người bản ngữ sẽ nói như thế nào. Ngoài ra, cả phát âm cũng sẽ được hoàn thiện nếu bạn chịu khó bắt chước một cách cẩn thận.
– Tập trung: Khi chúng ta nỗ lực để có thể ghi chép lại lời thoại của audio, chúng ta sẽ ở trạng thái tập trung cao độ vào việc nghe và phân biệt âm. Sự tập trung này không thể đạt được nếu chỉ thực hiện hoạt động nghe thông thường.
Các thao tác thực hiện phương pháp luyện nghe tiếng Anh Dictation như thế nào?
B1: Chọn 1 đoạn nghe có lời thoại của người bản xứ tùy sở thích của bạn. (có thể là Anh – Anh hay Anh – Mỹ)
B2: Bật và nghe hết audio 2-3 lần xem mình hiểu được bao nhiêu phần nội dung
B3: Tập trung nghe đi nghe lại từng câu một cho đến khi nghe được rõ câu rồi ghi lại những gì nghe được. Chỉ nên chuyển câu khi đã nghe được hết, hoặc thực sự chịu thua không thể nghe ra.
B4: Ghi chú, đánh dấu lại những chỗ không nghe được.
B5: Sau khi nghe và chép hết từng câu của audio, hãy nghe lại cả audio vừa nhìn theo phần chép của mình. Lúc này bạn có thể thấy một số chỗ sai của mình và sửa lại.
B6: So sánh với transcript xem mình đúng sai chỗ nào, xem kỹ những chỗ mình không nghe được. Đó là sai về âm của từ mà mình không biết hay sai về âm cuối hay sai về nối âm hay về ngữ điệu…
B7: Nghe kỹ lại chỗ sai cho đến khi cảm thấy quen thuộc, rút kinh nghiệm từ lỗi sai đó.
B8: Bắt đầu lại toàn bộ audio mà không nhìn transcript, xem có còn chỗ nào mình vẫn không nghe được không. Nếu có, hãy tiếp tục kiểm tra lại chỗ không nghe được với transcript. Tiếp tục như thế cho đến khi nghe được hết.
Trong trường hợp bạn chưa thể nhận biết lỗi sai của mình để tự sửa thì bạn cần nhờ giáo viên hoặc người có trình độ tiếng Anh cao hơn bạn giúp bạn chỉ ra lỗi sai để sửa.
Lưu ý cho người học khi chọn tài liệu nghe!
- Phương pháp này khá hiệu quả dành cho các bạn đang ở trình độ cơ bản, chưa cao. Đặc biệt các bạn mới bắt đầu học tiếng Anh hoặc ở trình độ A1- A2 thì nên bắt đầu sử dụng phương pháp này. Các bạn nên chọn bài ngắn vừa phải để luyện tập. Luyện tập từ mức độ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp các bạn cảm nhận được sự tiến bộ của bản thân và tạo ra động lực tiếp tục học.
- Ngoài ra, các bạn ở trình độ cao hơn nhưng có tính cách tỉ mỉ, muốn biết cặn kẽ và có nhiều thời gian cũng có thể áp dụng phương pháp này. Các bạn có thể chọn nguồn nghe khó hơn để tiếp thu được các kiến thức mới như IELTS online Tests, Eslfast…
*Đây là phương pháp cần sự kiên trì, vì sẽ tiến bộ dần dần và bền vững, nên chưa thật sự phù hợp với các bạn thiếu tính kiên nhẫn, muốn nhanh chóng có kết quả. Chúng ta cũng cần hiểu rằng, thành công thường không đến dễ dàng và nhanh chóng, vậy nên sao chúng ta không nhân cơ hội này để rèn luyện bản thân nhỉ?